Làng cổ yêu nươc xã Xuân Thiên
Ngày 06/10/2017 10:52:58
Lịch sử hình thành xã Xuân Thiên
LÀNG CỔ YÊU NƯỚC QUẢNG THI - XÃ XUÂN THIÊN
- Sông Chu tên xưa là Lương Giang do bốn ngọn nguồn đổ vào, một dòng sông đẹp, nước trong xanh, uốn mình lượn giữa đôi bờ bạt ngàn dâu, mía, ngô, khoai.
Thời chưa có đê điều, sông Chu hay đổi dòng. Nó lượn vòng qua núi Nghèo (tên chữ Ngưu Sơn), như cái tên Nghèo, giữa miền bán sơn địa cằn cỗi, hoang sơ, để lại một khúc sông lấp. Thời gian trôi qua với bao mùa mưa lũ, chính dòng sông Chu lại đem phù sa bồi đắp, lấp lên khúc sông cũ. Nhưng đời sông là cuộc hành trình không phút giây ngừng nghỉ, nó còn bận rộn, mải miết về xuôi, đành bỏ lại một công trình dang dở: La liệt đầm, hồ bên cạnh vô số gò cao, đống thấp...
Thời Lê Đại Hành, ông vua nông dân xuất thân con ở, con nuôi, đặc biệt khuyến khích khai hoang, mở mang ruộng đồng, trang ấp. Bốn ông họ Đình, họ Phạm, họ Lê, họ Trịnh đem người nhà đến khúc sông Lấp, tiếp tục công việc thiên nhiên không thể hoàn thành. Họ san đồi làm nương, lấp hồ cấy lúa. Chất đất phù sa tắm tưới mồ hôi ngay vụ đầu đã xanh rờn, no ấm. Bởi tốt đất nên nhiều cò đậu. chẳng bao lâu thành Thê ấp rồi Thê trang. Khi đã gây được cơ sở, họ tiến sang khu đầm sâu, mau rộng, lập thêm Sóc ấp, sau là Đàm trang. Cuối thời Trần, Thê trang sáp nhập Đàm trang thành Đàm Thi sách, thuộc hương Lam Sơn, huyện Lương Giang (Thọ Xuân). Bởi nguồn gốc đất đai nhiều đầm, hồ, dân gian thường gọi là Kẻ Đầm.
Nhà Lê Trung hưng lấy Vạn Lại, Yên Trường làm đô phủ. Nhà Mạc luôn đem quân đánh phá đô phủ, hoàng tử Duy Đàm con vua Anh tông (tục gọi Chúa Chỏm) được đem nuôi dưỡng tại Đàm Xá (tức Đàm Thi). Khi Duy Đàm nối ngôi vua (Thế tông), chữ “Đàm” kỵ húy, tên Đàm Thi đổi thành Quảng Thi. Riêng tên Đầm nôm na trường thọ, trải nghìn năm tuổi với những địa danh nổi tiếng: Làng Đầm, phố Đầm, Chợ Đầm, Bến Đầm, Chùa Đầm, Phà Đầm, Đồ Đầm...
Bởi lợi thế cận giang mà thành “Nhất cận thị” (Nhất cận thị nhị cận giang), chợ Đầm ra đời rất sớm. Làng Đầm hình thành 4 con đường ở giữa giống chữ “thập”, tỏa đi bốn phía: Ngả đường tây bắc lên miền núi: Ngọc Lặc, Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn,... và nước bạn Lào; Ngả đường tây nam lên thị trấn Lam Sơn, Bái Thượng, qua sông sang huyện Thường Xuân có núi thiêng Chế Linh Sơn bất tử; Ngả đường đông bắc lên quê hương Anh hùng dân tộc Lê Hoàn, tới huyện Vĩnh Lộc có thành đá Tây đô kỳ vĩ, rẽ sang một bên Thạch Thành qua đền Phố Cát ra Nho Quan, một phía là Hà Trung, ngược dốc Xây vượt đèo Tam Điệp ra Ninh Bình; Ngả đường đông nam qua đò Dầm, sang chợ Đường về thành phố Thanh Hóa rồi đi Nghệ An, Hà Tĩnh, Khu Tư, Khu Năm “dằng dặc khúc ruột miền trung”...
Làng Đầm trải dài bên bờ tả ngạn sông Chu, nhìn xuống bến Đầm thuyền đỗ san sát, bè gỗ, bè luồng nối đuôi hút tầm mắt, chiều chiều khói bếp vạn chài thơm lừng hương cá nướng. Những đêm trăng sáng, tiếng hò cao vút, kết nối tâm tình người muôn nẻo, làm sợi tơ hồng xe duyên đôi lứa, rồi neo đậu lại bến Đầm, phố Đầm...
Chợ Đầm lớn nhất nhì trong tỉnh, nơi tập trung hàng hóa lâm, thổ, thủy, hải sản, rừng xuống gặp biển lên, như nước chảy dồn chỗ trũng. Kho bãi ngổn ngang. Quán xá tấp nập. Áo nâu chen sắc chàm, tiếng Thanh hòa giọng Bắc.
Thuyền ván, thuyền buồm, thuyền mành, chiếc ra đụng chiếc vào... nước sông Chu bến trong thành bến đục... nơi đây góp mặt bạn hàng tứ xứ: Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng...
Chợ Đầm một tháng sáu phiên
Có cô hàng xén cười duyên bán hàng...
Đời Tự Đức, khoảng năm 1852, chợ Đầm dời sang địa điểm mới, hình thành phố Đầm sầm uất giữa lòng thôn mới Quảng Ích tụ hội kẻ gần, người xa: Hào Kiệt Nam Định, Bình Lục Hà Nam, Lâm Thao Phú Thọ, Thạch Hà Hà Tĩnh, cả kiều bào Trung Quốc, Thái Lan... dù không cùng họ, tất cả đều thờ chung hai vị thần tổ Phạm Bá Điền, Bùi Trung Thụy (gốc người Lương Kiệt, Vụ Bản, Nam Định) làm thần thành hoàng thôn Quảng Ích.
Trước đây, làng Đầm nghề lúa khó chống chọi những mùa lũ lụt nước sông Chu dâng ngập mái nhà. Để bù lại, nhân dân chú trọng phát triển nghề phụ “bách nghệ đua tài”: chăn nuôi gia súc, rèn, mộc, đan lát, dệt cửi, thợ nề, kim hoàn, đóng cối, may nón, nhuộm vải, may mặc, gạch ngói, lò gốm, nem chả,... Tương dầm ngon nổi tiếng bán vào tận Nghệ An, Hà Tĩnh, thành lời tục ngữ “Tương Đầm dầm cà Nghệ”...
Phố Đầm hàng hiệu sầm uất, buôn bán phồn thịnh như một thị trấn: Hiệu thuốc Tây Nam Ích Long, thuốc bắc Quảng Phát, thuốc lào Mỹ Thái, hiệu vàng Tấn Long, hiệu nhuộm Tân Mỹ,... Đế quốc Pháp không bỏ sót phố Đầm để đầu độc tới hai cửa hàng rượu: Phông ten, Nam Đồng Ích, bắt dân tiêu thụ với giá cắt cổ!
Chùa Đầm, đình Đầm xây dựng rất sớm từ thời Lý, thời Trần, là những công trình kiến trúc lớn có giá trị nghệ thuật, đều ở thôn Quảng Thi. Sau 1945 rồi 1955, Quảng Thi sáp nhập với Quảng Ích thành xã Xuân Thiên và làng Đầm vẫn là một địa danh có tiếng trong tỉnh.
Làng Đầm – Quảng Thi – Xuân Thiên thời khởi nghĩa Lam Sơn góp nhiều người, của cho công cuộc đánh đuổi giặc Minh, giải phóng đất nước. Đây cũng là làng quê danh tướng Lê Sao, làm đến chức Thiếu bảo đời Lê Nhân tông, Lê Sao mất khoảng đầu đời Quang Thuận ( 1460 – 1469), vua Thánh tông sai Nguyễn Bá Ký soạn văn bia về khai quốc công thần Lê Sao và khắc dựng năm Quang Thuận thứ 3 (1462) tại quê quán để lưu truyền hậu thế. Con trai Lê Sao là thái úy Phú quốc công Lê Thọ Vực văn võ toàn tài, mất năm Canh Thìn (1484). Kết thúc thắng lợi cuộc chinh phạt giặc dữ phía nam (1471) Lê Thọ Vực lập công đầu, được vua ban cấp nhiều tù binh. Ông đem họ về Thanh Hóa, mở đồn điền khai phá đất hoang, lập thành những trại ấp ở các huyện Lôi Dương (Thọ Xuân), Vĩnh Ninh ( Vĩnh Lộc), Tống Giang (Hà Trung), Yên Định...
Ở làng Đầm hiện còn nhiều dấu tích thời khởi nghĩa Lam Sơn và Lê Trung hưng: Mả Ngô (nơi chôn giặc Minh), các đồn lũy: Đồn Rồn, đồn Chế, đồn Thị, Gò Căng (kho quân lương), thành Lũy (Lũy đất), Cột Cờ (quân tiền tiêu)...
Thời khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp, con em làng Đầm tham gia nghĩa quân Tống Duy Tân hoạt động từ miền xuôi lên miền núi...
Làng Đầm đến với cách mạng rất sớm. Ban đầu chỉ là một số hoạt động như chấn hưng thương nghiệp (Tiên Long thương đoàn) do cụ đồ Uẩn tuyên truyền hưởng ứng phong trào đón cụ Phan Bội Châu, phong trào truy điệu cụ Phan Chu Trinh làm xôn xao dư luận phụ huynh học sinh Tiểu học trường Đầm, bí mật trao đổi nội dung tư tưởng “Tự do độc lập” do thầy giáo Hồ Văn Giai truyền bá...
Năm 1929, đồng chí Trịnh Quang Lịch, đồng chí Lê Văn Sĩ trong tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Yên Trường (xã Thọ Lập) đến làng Đầm bí mật gieo mầm cách mạng qua văn thơ cách mạng.
Giai đoạn 1930 – 1939 các đồng chí Lê Ngọc Lành, Lê Văn Trọng, Nguyễn Văn Tân,... thực hiện chủ trương của Đảng tổ chức hội Tương Tế Ái hữu vận động quần chúng chống lại lệ khai thác lâm sản của thổ ty, lang đạo, buộc phải bỏ thứ thuế vô lý này.
Ngày 7-7-1939, tại chùa Đầm, hơn một ngàn người tổng Quảng Thi, Quảng Yên dự cuộc mít tinh hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Đức Nghi đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và phát xít. Đầu năm 1940 đồng chí Trần Hoạt, cán bộ Xứ ủy Bắc kỳ thoát khỏi vòng vây của địch vào Thanh Hóa, về làng Đầm. Từ cơ sở này, đồng chí Hoạt đã bắt mối với các cơ sở cách mạng Kim Ốc, Phúc Bồi, Nam Thượng, Quần Kênh,... Tháng 4 năm 1940, tại Kim Ốc (xã Xuân Hòa), các đồng chí Trần Hoạt, Đặng Châu Tuệ, Hồ Sĩ Nhân thống nhất các cơ sở cách mạng thành lập “Tỉnh ủy lâm thời” do đồng chí Trần Hoạt làm bí thư.
Phong trào cách mạng càng mở rộng, địch càng khủng bố ác liệt. Một số cán bộ trung kiên bị địch bắt, trong đó xã Xuân Thiên có các đồng chí Nguyễn Đức Nghi bị tù đầy ở Buôn Mê Thuột, Nguyễn Văn Tân, Lê Văn Trọng bị giam ở nhà lao Thanh Hóa... Mặc dù bị địch ngày đêm lùng sục, vây bắt, những đồng chí còn lại vẫn hoạt động tích cực, phong trào cách mạng quần chúng được củng cố, tinh thần đấu tranh lên cao, bí mật chuẩn bị tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đánh đuổi đế quốc Pháp và Phát xít Nhật. Đội tự vệ làng Đầm được thành lập, đêm đêm tập võ ở Đống Lang, Rù Rì. Các ông Kiều Chân, Chất Đằng phụ trách rèn vũ khí, các ông Nhuận, Hùng, Kinh đảm nhiệm may cờ Tổ quốc, biểu ngữ.
Năm giờ sáng ngày 19-8-1945, nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa, các lực lượng tự vệ, đoàn thể, quần chúng do ông Trịnh Ngọc Nhuận và ông Cao Ba phụ trách, tịch thu đồng triện lý trưởng, tuyên bố giải tán Hội đồng hương chức, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời xã Xuân Thiên. Từ đây Quảng Thi - Xuân Thiên hòa cùng phong trào cách mạng cả nước, chuẩn bị góp người, góp của cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp, tiếp theo đế quốc Mỹ, cực kỳ gian khổ nhưng thắng lợi vô cùng vẻ vang.
Hoàng Tuấn Phổ
Tài liệu tham khảo: Lịch sử xã Xuân Thiên; Lịch sử huyện Đảng bộ Thọ Xuân; Địa chí huyện Thọ Xuân.
Làng cổ yêu nươc xã Xuân Thiên
Đăng lúc: 06/10/2017 10:52:58 (GMT+7)
Lịch sử hình thành xã Xuân Thiên
LÀNG CỔ YÊU NƯỚC QUẢNG THI - XÃ XUÂN THIÊN
- Sông Chu tên xưa là Lương Giang do bốn ngọn nguồn đổ vào, một dòng sông đẹp, nước trong xanh, uốn mình lượn giữa đôi bờ bạt ngàn dâu, mía, ngô, khoai.
Thời chưa có đê điều, sông Chu hay đổi dòng. Nó lượn vòng qua núi Nghèo (tên chữ Ngưu Sơn), như cái tên Nghèo, giữa miền bán sơn địa cằn cỗi, hoang sơ, để lại một khúc sông lấp. Thời gian trôi qua với bao mùa mưa lũ, chính dòng sông Chu lại đem phù sa bồi đắp, lấp lên khúc sông cũ. Nhưng đời sông là cuộc hành trình không phút giây ngừng nghỉ, nó còn bận rộn, mải miết về xuôi, đành bỏ lại một công trình dang dở: La liệt đầm, hồ bên cạnh vô số gò cao, đống thấp...
Thời Lê Đại Hành, ông vua nông dân xuất thân con ở, con nuôi, đặc biệt khuyến khích khai hoang, mở mang ruộng đồng, trang ấp. Bốn ông họ Đình, họ Phạm, họ Lê, họ Trịnh đem người nhà đến khúc sông Lấp, tiếp tục công việc thiên nhiên không thể hoàn thành. Họ san đồi làm nương, lấp hồ cấy lúa. Chất đất phù sa tắm tưới mồ hôi ngay vụ đầu đã xanh rờn, no ấm. Bởi tốt đất nên nhiều cò đậu. chẳng bao lâu thành Thê ấp rồi Thê trang. Khi đã gây được cơ sở, họ tiến sang khu đầm sâu, mau rộng, lập thêm Sóc ấp, sau là Đàm trang. Cuối thời Trần, Thê trang sáp nhập Đàm trang thành Đàm Thi sách, thuộc hương Lam Sơn, huyện Lương Giang (Thọ Xuân). Bởi nguồn gốc đất đai nhiều đầm, hồ, dân gian thường gọi là Kẻ Đầm.
Nhà Lê Trung hưng lấy Vạn Lại, Yên Trường làm đô phủ. Nhà Mạc luôn đem quân đánh phá đô phủ, hoàng tử Duy Đàm con vua Anh tông (tục gọi Chúa Chỏm) được đem nuôi dưỡng tại Đàm Xá (tức Đàm Thi). Khi Duy Đàm nối ngôi vua (Thế tông), chữ “Đàm” kỵ húy, tên Đàm Thi đổi thành Quảng Thi. Riêng tên Đầm nôm na trường thọ, trải nghìn năm tuổi với những địa danh nổi tiếng: Làng Đầm, phố Đầm, Chợ Đầm, Bến Đầm, Chùa Đầm, Phà Đầm, Đồ Đầm...
Bởi lợi thế cận giang mà thành “Nhất cận thị” (Nhất cận thị nhị cận giang), chợ Đầm ra đời rất sớm. Làng Đầm hình thành 4 con đường ở giữa giống chữ “thập”, tỏa đi bốn phía: Ngả đường tây bắc lên miền núi: Ngọc Lặc, Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn,... và nước bạn Lào; Ngả đường tây nam lên thị trấn Lam Sơn, Bái Thượng, qua sông sang huyện Thường Xuân có núi thiêng Chế Linh Sơn bất tử; Ngả đường đông bắc lên quê hương Anh hùng dân tộc Lê Hoàn, tới huyện Vĩnh Lộc có thành đá Tây đô kỳ vĩ, rẽ sang một bên Thạch Thành qua đền Phố Cát ra Nho Quan, một phía là Hà Trung, ngược dốc Xây vượt đèo Tam Điệp ra Ninh Bình; Ngả đường đông nam qua đò Dầm, sang chợ Đường về thành phố Thanh Hóa rồi đi Nghệ An, Hà Tĩnh, Khu Tư, Khu Năm “dằng dặc khúc ruột miền trung”...
Làng Đầm trải dài bên bờ tả ngạn sông Chu, nhìn xuống bến Đầm thuyền đỗ san sát, bè gỗ, bè luồng nối đuôi hút tầm mắt, chiều chiều khói bếp vạn chài thơm lừng hương cá nướng. Những đêm trăng sáng, tiếng hò cao vút, kết nối tâm tình người muôn nẻo, làm sợi tơ hồng xe duyên đôi lứa, rồi neo đậu lại bến Đầm, phố Đầm...
Chợ Đầm lớn nhất nhì trong tỉnh, nơi tập trung hàng hóa lâm, thổ, thủy, hải sản, rừng xuống gặp biển lên, như nước chảy dồn chỗ trũng. Kho bãi ngổn ngang. Quán xá tấp nập. Áo nâu chen sắc chàm, tiếng Thanh hòa giọng Bắc.
Thuyền ván, thuyền buồm, thuyền mành, chiếc ra đụng chiếc vào... nước sông Chu bến trong thành bến đục... nơi đây góp mặt bạn hàng tứ xứ: Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng...
Chợ Đầm một tháng sáu phiên
Có cô hàng xén cười duyên bán hàng...
Đời Tự Đức, khoảng năm 1852, chợ Đầm dời sang địa điểm mới, hình thành phố Đầm sầm uất giữa lòng thôn mới Quảng Ích tụ hội kẻ gần, người xa: Hào Kiệt Nam Định, Bình Lục Hà Nam, Lâm Thao Phú Thọ, Thạch Hà Hà Tĩnh, cả kiều bào Trung Quốc, Thái Lan... dù không cùng họ, tất cả đều thờ chung hai vị thần tổ Phạm Bá Điền, Bùi Trung Thụy (gốc người Lương Kiệt, Vụ Bản, Nam Định) làm thần thành hoàng thôn Quảng Ích.
Trước đây, làng Đầm nghề lúa khó chống chọi những mùa lũ lụt nước sông Chu dâng ngập mái nhà. Để bù lại, nhân dân chú trọng phát triển nghề phụ “bách nghệ đua tài”: chăn nuôi gia súc, rèn, mộc, đan lát, dệt cửi, thợ nề, kim hoàn, đóng cối, may nón, nhuộm vải, may mặc, gạch ngói, lò gốm, nem chả,... Tương dầm ngon nổi tiếng bán vào tận Nghệ An, Hà Tĩnh, thành lời tục ngữ “Tương Đầm dầm cà Nghệ”...
Phố Đầm hàng hiệu sầm uất, buôn bán phồn thịnh như một thị trấn: Hiệu thuốc Tây Nam Ích Long, thuốc bắc Quảng Phát, thuốc lào Mỹ Thái, hiệu vàng Tấn Long, hiệu nhuộm Tân Mỹ,... Đế quốc Pháp không bỏ sót phố Đầm để đầu độc tới hai cửa hàng rượu: Phông ten, Nam Đồng Ích, bắt dân tiêu thụ với giá cắt cổ!
Chùa Đầm, đình Đầm xây dựng rất sớm từ thời Lý, thời Trần, là những công trình kiến trúc lớn có giá trị nghệ thuật, đều ở thôn Quảng Thi. Sau 1945 rồi 1955, Quảng Thi sáp nhập với Quảng Ích thành xã Xuân Thiên và làng Đầm vẫn là một địa danh có tiếng trong tỉnh.
Làng Đầm – Quảng Thi – Xuân Thiên thời khởi nghĩa Lam Sơn góp nhiều người, của cho công cuộc đánh đuổi giặc Minh, giải phóng đất nước. Đây cũng là làng quê danh tướng Lê Sao, làm đến chức Thiếu bảo đời Lê Nhân tông, Lê Sao mất khoảng đầu đời Quang Thuận ( 1460 – 1469), vua Thánh tông sai Nguyễn Bá Ký soạn văn bia về khai quốc công thần Lê Sao và khắc dựng năm Quang Thuận thứ 3 (1462) tại quê quán để lưu truyền hậu thế. Con trai Lê Sao là thái úy Phú quốc công Lê Thọ Vực văn võ toàn tài, mất năm Canh Thìn (1484). Kết thúc thắng lợi cuộc chinh phạt giặc dữ phía nam (1471) Lê Thọ Vực lập công đầu, được vua ban cấp nhiều tù binh. Ông đem họ về Thanh Hóa, mở đồn điền khai phá đất hoang, lập thành những trại ấp ở các huyện Lôi Dương (Thọ Xuân), Vĩnh Ninh ( Vĩnh Lộc), Tống Giang (Hà Trung), Yên Định...
Ở làng Đầm hiện còn nhiều dấu tích thời khởi nghĩa Lam Sơn và Lê Trung hưng: Mả Ngô (nơi chôn giặc Minh), các đồn lũy: Đồn Rồn, đồn Chế, đồn Thị, Gò Căng (kho quân lương), thành Lũy (Lũy đất), Cột Cờ (quân tiền tiêu)...
Thời khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp, con em làng Đầm tham gia nghĩa quân Tống Duy Tân hoạt động từ miền xuôi lên miền núi...
Làng Đầm đến với cách mạng rất sớm. Ban đầu chỉ là một số hoạt động như chấn hưng thương nghiệp (Tiên Long thương đoàn) do cụ đồ Uẩn tuyên truyền hưởng ứng phong trào đón cụ Phan Bội Châu, phong trào truy điệu cụ Phan Chu Trinh làm xôn xao dư luận phụ huynh học sinh Tiểu học trường Đầm, bí mật trao đổi nội dung tư tưởng “Tự do độc lập” do thầy giáo Hồ Văn Giai truyền bá...
Năm 1929, đồng chí Trịnh Quang Lịch, đồng chí Lê Văn Sĩ trong tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Yên Trường (xã Thọ Lập) đến làng Đầm bí mật gieo mầm cách mạng qua văn thơ cách mạng.
Giai đoạn 1930 – 1939 các đồng chí Lê Ngọc Lành, Lê Văn Trọng, Nguyễn Văn Tân,... thực hiện chủ trương của Đảng tổ chức hội Tương Tế Ái hữu vận động quần chúng chống lại lệ khai thác lâm sản của thổ ty, lang đạo, buộc phải bỏ thứ thuế vô lý này.
Ngày 7-7-1939, tại chùa Đầm, hơn một ngàn người tổng Quảng Thi, Quảng Yên dự cuộc mít tinh hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Đức Nghi đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và phát xít. Đầu năm 1940 đồng chí Trần Hoạt, cán bộ Xứ ủy Bắc kỳ thoát khỏi vòng vây của địch vào Thanh Hóa, về làng Đầm. Từ cơ sở này, đồng chí Hoạt đã bắt mối với các cơ sở cách mạng Kim Ốc, Phúc Bồi, Nam Thượng, Quần Kênh,... Tháng 4 năm 1940, tại Kim Ốc (xã Xuân Hòa), các đồng chí Trần Hoạt, Đặng Châu Tuệ, Hồ Sĩ Nhân thống nhất các cơ sở cách mạng thành lập “Tỉnh ủy lâm thời” do đồng chí Trần Hoạt làm bí thư.
Phong trào cách mạng càng mở rộng, địch càng khủng bố ác liệt. Một số cán bộ trung kiên bị địch bắt, trong đó xã Xuân Thiên có các đồng chí Nguyễn Đức Nghi bị tù đầy ở Buôn Mê Thuột, Nguyễn Văn Tân, Lê Văn Trọng bị giam ở nhà lao Thanh Hóa... Mặc dù bị địch ngày đêm lùng sục, vây bắt, những đồng chí còn lại vẫn hoạt động tích cực, phong trào cách mạng quần chúng được củng cố, tinh thần đấu tranh lên cao, bí mật chuẩn bị tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đánh đuổi đế quốc Pháp và Phát xít Nhật. Đội tự vệ làng Đầm được thành lập, đêm đêm tập võ ở Đống Lang, Rù Rì. Các ông Kiều Chân, Chất Đằng phụ trách rèn vũ khí, các ông Nhuận, Hùng, Kinh đảm nhiệm may cờ Tổ quốc, biểu ngữ.
Năm giờ sáng ngày 19-8-1945, nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa, các lực lượng tự vệ, đoàn thể, quần chúng do ông Trịnh Ngọc Nhuận và ông Cao Ba phụ trách, tịch thu đồng triện lý trưởng, tuyên bố giải tán Hội đồng hương chức, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời xã Xuân Thiên. Từ đây Quảng Thi - Xuân Thiên hòa cùng phong trào cách mạng cả nước, chuẩn bị góp người, góp của cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp, tiếp theo đế quốc Mỹ, cực kỳ gian khổ nhưng thắng lợi vô cùng vẻ vang.
Hoàng Tuấn Phổ
Tài liệu tham khảo: Lịch sử xã Xuân Thiên; Lịch sử huyện Đảng bộ Thọ Xuân; Địa chí huyện Thọ Xuân.