Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
198884

RỪNG THU VỌNG TIẾNG TIỀN NHÂN

Ngày 09/09/2022 15:08:17

Những ngày thu tháng tám càng thêm nhắc nhớ ta về một vùng đất nổi tiếng trong lịch sử, đang tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào bước phát triển của tỉnh Thanh Hóa và cả nước hôm nay, đó là không gian văn hóa Lam Sơn - nơi gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở thế kỷ XV.
vang-1652561704173403738496.jpg

Câu ca dao “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi, hăm ba giỗ mụ hàng dầu”... khởi phát từ vùng đất này gắn liền với lễ hội Lam Kinh vào các ngày từ 21 đến 23 tháng tám âm lịch tưởng nhớ Anh hùng áo vải Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã trải qua 10 năm nếm mật, nằm gai đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh. Dù trải qua bao biến cố, thăng trầm, nhưng quần thể di tích trên vùng đất Lam Sơn xưa, tâm điểm là những lăng tẩm, điện, miếu tại Lam Kinh vẫn trầm mặc, kiêu hãnh bên dòng sông Chu, tựa vào núi Dầu, hướng về núi Mục, đóng vai trò là chứng tích cho một giai đoạn lịch sử hết sức hào hùng của dân tộc.
Đã bao lần đứng trên Cầu Bạch, Hồ Tây, nhưng lần nào cũng thế, đều đem đến một cảm giác đặc biệt. Lần này cũng vậy, trong lồng lộng gió thu, bên gốc cây đa thị hàng trăm năm tuổi, tôi xa xăm nhìn về phía thượng nguồn sông Chu. Dòng sông đã đi vào lịch sử không chỉ với vai trò dẫn thủy nhập điền, tạo sinh kế cho biết bao cư dân hai bên bờ, mà còn là dòng sông lịch sử, dòng sông của thi ca, gắn với những câu chuyện dường như bất tận về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Dòng sông giờ đây đã trở nên “ngoan hiền” hơn dưới bàn tay chế ngự của con người. Trên dòng sống ấy gần 20 năm nay hiện diện một con đập điều hòa thủy lợi lớn nhất tỉnh. Từ đây, hướng mắt về phía thượng nguồn dễ mường tượng ra những đồi quế Châu Thường thơm trong gió cùng những người dân bản Thái thân thương mà tôi từng đến...
Từ cầu Mục Sơn nhìn xuống, cảm nhận sông Chu chẳng chút bận tâm xem trần thế đã nghĩ gì về mình, vẫn đêm ngày thao thiết chảy, chuyển chở phù sa và nguồn sinh thủy cho những bãi bồi bao la, xóm làng rộng lớn mạn hạ du. Từ chân cầu, khách du lịch có thể lên thuyền ngược ngàn đến với Cửa Đặt, vào viếng danh tướng Cầm Bá Thước. Cũng từ đây khách có thể mở rộng hành trình để đến với những bản du lịch sinh thái của Thường Xuân như bản Vịn, bản Mạ... Với sự gợi ý về những chuyến đò dọc trên sông Chu đã mở ra một tiềm năng du lịch đường sông gắn với khai thác các giá trị lịch sử, văn hóa hai bên bờ. Một sự kết nối có chủ định trong không gian văn hóa Lam Sơn sẽ tạo cơ hội để đánh thức nhiều giá trị...
Ở Lam Kinh có nhiều điều để khám phá và cảm nhận. Chỉ cách Tây Hồ cỡ trăm quăng dao là đến làng Miềng, xã Phúc Thịnh và làng Như Áng, xã Kiên Thọ - những nơi tương truyền gắn với gốc gác nhà Lê. Xa hơn chút nữa là con đập Bái Thượng xây từ thời Pháp thuộc nối Lam Sơn với Thọ Thanh của châu Thường. Đó là những địa danh được nhắc đến rất nhiều gắn với không gian văn hóa Mường Ngọc Lặc, văn hóa Thái Thường Xuân và những câu chuyện kể về vùng đất Lam Sơn xưa.
cay-da.jpg
Trời thu trong veo, cảm nhận được mùi khói lam chiều bay lên từ những nóc nhà bản Mường, bản Thái phía xa. Những sợi khói cho thấy sự ấm no của người dân được đổi đời từ cây mía một thời, giờ thêm những cây trái mới do Công ty CP Công - Nông nghiệp Lam Sơn khởi phát. Gần đây cây gai nguyên liệu cho Nhà máy sợi gai An Phước ở Cẩm Thủy cũng đã bắt đầu được người dân nơi đây tin tưởng.
Những nông dân trên vùng đồi núi Lam Sơn xưa kiên gan cùng Lê Lợi dấy binh và cháu chắt họ lại tiếp tục hành trình làm giàu trên đất khó. Hơn hai mươi năm trước những làng Rào, làng Choán, làng Cham, làng Miềng, cả khu vực Thọ Lâm, Thọ Châu, Kiên Thọ quanh đó còn là vùng đất khó khăn, giờ đã bừng lên khí sắc. Người dân trong vùng đất Lam Sơn đang cho thấy một ý chí, khát vọng làm giàu, và đất ấy cũng đang cho thấy sự sinh sôi chiều lòng người. Có lẽ đó là một sự đáp đền không chỉ của riêng tạo hóa đối với vùng đất từng dày công với đất nước.
Nhiều chuyên gia di sản khuyến cáo chính quyền cần tạo ra những sinh kế cho người dân ở vùng đệm các khu di tích, khu bảo tồn để họ không xâm thực vùng lõi và ở Lam Kinh điều này đã thành hiện thực. Từng nhiều năm gắn bó với Lam Kinh tôi biết có thời điểm tình trạng người dân canh tác mía, sắn diễn ra phổ biến ở vùng lõi Lam Kinh, thậm chí ngay bên hàng rào các khu lăng. Nhiều người vào rừng đặc dụng đốt ong, chặt cành, bởi đời sống lúc ấy cơ bản còn nhiều khó khăn. Khoảng 20 năm trở lại đây thì điều đó không còn nữa, ý thức người dân nâng lên rõ rệt cùng với sự quản lý ngày càng nghiêm ngặt theo đúng quy định đối với một di tích quốc gia đặc biệt. Khu vực bên trong thành nội sau nhiều năm trùng tu, tôn tạo, những lăng, bia, điện thờ, sông, hồ, cây cỏ, đường đi và nhiều vật dụng trang trí đã hiện hữu với một dáng vẻ cổ kính, tịch liêu, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn du khách. Qua kênh thông tin đối ngoại, nhiều kiều bào, người nước ngoài, tổ chức quốc tế cũng biết đến Lam Kinh, dành cho Lam Kinh sự quan tâm nhiều hơn.
Là người cũ của Ban Quản lý Khu Di tích Lam Kinh từ ngày đầu thành lập, lần trở lại này rất nhiều thứ ở đây đã trở nên xa lạ với tôi.
Hồi đó - những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ XX, tôi lần đầu lên vùng đất Lam Sơn. Người tôi gặp đầu tiên là anh Phạm Đức Duy thuộc biên chế Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, được giao toàn quyền bảo vệ, hướng dẫn khách tham quan. Cùng với anh có vài người bảo vệ, chăm sóc rừng lim trong nội khu di tích. Họ trồng mía, trồng sắn quanh di tích để tạo sinh kế. Từ năm 1993 tỉnh Thanh Hóa chủ trương lập đề án tu bổ, tôn tạo khu di tích quan trọng này trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thông tin và đến năm 1994 Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, một ban quản lý di tích chính quy đã ra đời. Trong số cán bộ tham gia ban quản lý tôi may mắn được chọn. Những năm tháng gắn bó với Lam Kinh, tôi đã có rất nhiều kỷ niệm với đất và người nơi đây. Những người dân nặng lòng với lịch sử quê hương, đất nước. Họ có thể trồng hoa màu, đặt những bọng ong hoặc săn bắt những con thú nhỏ trong khu di tích nhưng không làm tổn hại đến kiến trúc... Những bậc minh quân yên nghỉ dưới đất mẹ Lam Kinh luôn là những người mà họ phải biết ơn, dù công trạng của những đế vương ấy họ chỉ được nghe lõm bõm qua những lần dẫn đoàn và thuyết minh tự phát của anh Phạm Đức Duy.
Một hành trình tìm kiếm chứng nhân trong lòng đất để phục hồi lại những công trình ở Lam Kinh đã được thực hiện kiên trì. Lúc đầu chỉ là việc trùng tu nhỏ. Một số nhà bia Hoàng đế, Hoàng hậu được xây dựng mô phỏng kiến trúc thời Lê Sơ. Những cuộc điền dã lúc đầu với chủ định của nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Ngữ cùng một số người trong ban quản lý di tích giúp thu thập được nhiều thông tin. Sau đó là việc làm quy mô, bài bản hơn bằng nhiều lần khai quật khảo cổ học do tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam thực hiện. Qua những hố đào lớp, tầng kiến trúc ngủ sâu trong lòng đất lần lượt lộ thiên cho phép hình dung ra diện mạo của Lam Kinh xưa qua các lần xây dựng, tu bổ. Đó là cơ sở cho sự ra đời những công trình lớn như cầu bạch, hồ bán nguyệt, thái miếu, sau này là các tòa chính điện Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh.
Cùng với phục dựng các lăng tẩm, điện, miếu, rừng Lam Kinh ngày một xanh hơn, trở thành rừng đặc dụng. Cùng với rừng, một hệ sinh thái văn hóa Lam Sơn cũng được phục dựng với các trò chơi, trò diễn khá đặc sắc.
10 năm trước Lam Kinh được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt đánh dấu cho một giai đoạn phát triển mới. Ngoài những giá trị thực thể, du khách đến Lam Kinh bây giờ còn được trải nghiệm công nghệ thực tế ảo...
Dưới đại ngàn Lam Kinh trong trời thu tháng tám, đúng dịp các hoạt động kỷ niệm 10 năm khu di tích trở thành di tích quốc gia đặc biệt, cảm nhận lòng mình cũng có gì đó thật đặc biệt. Trong vi vu gió và xào xạc lá thu, cảm giác như nghe được tiếng người xưa đâu đó vọng về. Cả âm vang của tiếng trống đồng trầm hùng trong khúc múa kinh sư rộn ràng mỗi lần Vua Lê về bái yết sơn lăng xưa.
 lamkinh2.jpg
Du khách tham quan khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân).
Đọc sách sử với những trang viết trách nhiệm của sử quan đương thời mới cảm nhận đầy đủ sự vĩ đại của một vương triều như Lê Sơ. Hết bình quân xâm lăng phương Bắc đến dẹp loạn phương Nam, dựng cảnh thái bình âu ca với nhiều trang ấp tằm tơ, cảnh cửi, cảnh thương mại đông đúc trên bến dưới thuyền, mở rộng quan hệ giao thương với nhiều nước. Còn là sự ra đời của Bộ quốc triều hình luật đầu tiên của nước Nam - Bộ luật Hồng Đức. Rồi những áng thơ hay khởi phát từ Hội Tao Đàn, mà nguyên súy chính là Vua Lê Thánh tông.
Những đế vương gốc tích từ đất Lam Sơn, dù lên ngôi ở Đông Đô, nhưng đã chọn Lam Kinh để vĩnh hằng yên nghỉ.
Ở Lam Kinh, mỗi sự quan sát sẽ giúp ta chiêm nghiệm nhiều hơn về một thời kỳ hào hùng, sự tiếp biến, giao thoa văn hóa. Chỉ viên ngói vỡ từ lòng sinh thổ cũng cho thấy vẻ đẹp thời đại. Một phần linh vật lưu giữ tại đây cũng cho thấy khát vọng hòa bình dân tộc và ước vọng sinh sôi...
Không chỉ tháng tám khách mới về Lam Kinh, nhưng tháng tám chính hội lên đất kinh xưa này mới cảm nhận đầy đủ sự nhộn nhịp của hội, linh thiêng của lễ. Đó cũng là lúc giá trị văn hóa các dân tộc trong tỉnh được thể hiện rõ nét nhất không chỉ qua trang phục, còn là ẩm thực, đồ thủ công bày bán ở nơi này. Trải qua bao thăng trầm, biến cố, lễ hội Lam Kinh không thất truyền, mà còn được bổ sung để làm phong phú hơn. Tôi đứng đó, nghe tiếng gió thu róc qua kẽ lá từ phía núi Dầu tấu lên khúc nhạc mùa ru giấc vĩnh hằng cho bậc minh quân.
Nguồn;(Baothanhhoa.vn)

 

RỪNG THU VỌNG TIẾNG TIỀN NHÂN

Đăng lúc: 09/09/2022 15:08:17 (GMT+7)

Những ngày thu tháng tám càng thêm nhắc nhớ ta về một vùng đất nổi tiếng trong lịch sử, đang tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào bước phát triển của tỉnh Thanh Hóa và cả nước hôm nay, đó là không gian văn hóa Lam Sơn - nơi gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở thế kỷ XV.
vang-1652561704173403738496.jpg

Câu ca dao “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi, hăm ba giỗ mụ hàng dầu”... khởi phát từ vùng đất này gắn liền với lễ hội Lam Kinh vào các ngày từ 21 đến 23 tháng tám âm lịch tưởng nhớ Anh hùng áo vải Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã trải qua 10 năm nếm mật, nằm gai đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh. Dù trải qua bao biến cố, thăng trầm, nhưng quần thể di tích trên vùng đất Lam Sơn xưa, tâm điểm là những lăng tẩm, điện, miếu tại Lam Kinh vẫn trầm mặc, kiêu hãnh bên dòng sông Chu, tựa vào núi Dầu, hướng về núi Mục, đóng vai trò là chứng tích cho một giai đoạn lịch sử hết sức hào hùng của dân tộc.
Đã bao lần đứng trên Cầu Bạch, Hồ Tây, nhưng lần nào cũng thế, đều đem đến một cảm giác đặc biệt. Lần này cũng vậy, trong lồng lộng gió thu, bên gốc cây đa thị hàng trăm năm tuổi, tôi xa xăm nhìn về phía thượng nguồn sông Chu. Dòng sông đã đi vào lịch sử không chỉ với vai trò dẫn thủy nhập điền, tạo sinh kế cho biết bao cư dân hai bên bờ, mà còn là dòng sông lịch sử, dòng sông của thi ca, gắn với những câu chuyện dường như bất tận về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Dòng sông giờ đây đã trở nên “ngoan hiền” hơn dưới bàn tay chế ngự của con người. Trên dòng sống ấy gần 20 năm nay hiện diện một con đập điều hòa thủy lợi lớn nhất tỉnh. Từ đây, hướng mắt về phía thượng nguồn dễ mường tượng ra những đồi quế Châu Thường thơm trong gió cùng những người dân bản Thái thân thương mà tôi từng đến...
Từ cầu Mục Sơn nhìn xuống, cảm nhận sông Chu chẳng chút bận tâm xem trần thế đã nghĩ gì về mình, vẫn đêm ngày thao thiết chảy, chuyển chở phù sa và nguồn sinh thủy cho những bãi bồi bao la, xóm làng rộng lớn mạn hạ du. Từ chân cầu, khách du lịch có thể lên thuyền ngược ngàn đến với Cửa Đặt, vào viếng danh tướng Cầm Bá Thước. Cũng từ đây khách có thể mở rộng hành trình để đến với những bản du lịch sinh thái của Thường Xuân như bản Vịn, bản Mạ... Với sự gợi ý về những chuyến đò dọc trên sông Chu đã mở ra một tiềm năng du lịch đường sông gắn với khai thác các giá trị lịch sử, văn hóa hai bên bờ. Một sự kết nối có chủ định trong không gian văn hóa Lam Sơn sẽ tạo cơ hội để đánh thức nhiều giá trị...
Ở Lam Kinh có nhiều điều để khám phá và cảm nhận. Chỉ cách Tây Hồ cỡ trăm quăng dao là đến làng Miềng, xã Phúc Thịnh và làng Như Áng, xã Kiên Thọ - những nơi tương truyền gắn với gốc gác nhà Lê. Xa hơn chút nữa là con đập Bái Thượng xây từ thời Pháp thuộc nối Lam Sơn với Thọ Thanh của châu Thường. Đó là những địa danh được nhắc đến rất nhiều gắn với không gian văn hóa Mường Ngọc Lặc, văn hóa Thái Thường Xuân và những câu chuyện kể về vùng đất Lam Sơn xưa.
cay-da.jpg
Trời thu trong veo, cảm nhận được mùi khói lam chiều bay lên từ những nóc nhà bản Mường, bản Thái phía xa. Những sợi khói cho thấy sự ấm no của người dân được đổi đời từ cây mía một thời, giờ thêm những cây trái mới do Công ty CP Công - Nông nghiệp Lam Sơn khởi phát. Gần đây cây gai nguyên liệu cho Nhà máy sợi gai An Phước ở Cẩm Thủy cũng đã bắt đầu được người dân nơi đây tin tưởng.
Những nông dân trên vùng đồi núi Lam Sơn xưa kiên gan cùng Lê Lợi dấy binh và cháu chắt họ lại tiếp tục hành trình làm giàu trên đất khó. Hơn hai mươi năm trước những làng Rào, làng Choán, làng Cham, làng Miềng, cả khu vực Thọ Lâm, Thọ Châu, Kiên Thọ quanh đó còn là vùng đất khó khăn, giờ đã bừng lên khí sắc. Người dân trong vùng đất Lam Sơn đang cho thấy một ý chí, khát vọng làm giàu, và đất ấy cũng đang cho thấy sự sinh sôi chiều lòng người. Có lẽ đó là một sự đáp đền không chỉ của riêng tạo hóa đối với vùng đất từng dày công với đất nước.
Nhiều chuyên gia di sản khuyến cáo chính quyền cần tạo ra những sinh kế cho người dân ở vùng đệm các khu di tích, khu bảo tồn để họ không xâm thực vùng lõi và ở Lam Kinh điều này đã thành hiện thực. Từng nhiều năm gắn bó với Lam Kinh tôi biết có thời điểm tình trạng người dân canh tác mía, sắn diễn ra phổ biến ở vùng lõi Lam Kinh, thậm chí ngay bên hàng rào các khu lăng. Nhiều người vào rừng đặc dụng đốt ong, chặt cành, bởi đời sống lúc ấy cơ bản còn nhiều khó khăn. Khoảng 20 năm trở lại đây thì điều đó không còn nữa, ý thức người dân nâng lên rõ rệt cùng với sự quản lý ngày càng nghiêm ngặt theo đúng quy định đối với một di tích quốc gia đặc biệt. Khu vực bên trong thành nội sau nhiều năm trùng tu, tôn tạo, những lăng, bia, điện thờ, sông, hồ, cây cỏ, đường đi và nhiều vật dụng trang trí đã hiện hữu với một dáng vẻ cổ kính, tịch liêu, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn du khách. Qua kênh thông tin đối ngoại, nhiều kiều bào, người nước ngoài, tổ chức quốc tế cũng biết đến Lam Kinh, dành cho Lam Kinh sự quan tâm nhiều hơn.
Là người cũ của Ban Quản lý Khu Di tích Lam Kinh từ ngày đầu thành lập, lần trở lại này rất nhiều thứ ở đây đã trở nên xa lạ với tôi.
Hồi đó - những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ XX, tôi lần đầu lên vùng đất Lam Sơn. Người tôi gặp đầu tiên là anh Phạm Đức Duy thuộc biên chế Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, được giao toàn quyền bảo vệ, hướng dẫn khách tham quan. Cùng với anh có vài người bảo vệ, chăm sóc rừng lim trong nội khu di tích. Họ trồng mía, trồng sắn quanh di tích để tạo sinh kế. Từ năm 1993 tỉnh Thanh Hóa chủ trương lập đề án tu bổ, tôn tạo khu di tích quan trọng này trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thông tin và đến năm 1994 Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, một ban quản lý di tích chính quy đã ra đời. Trong số cán bộ tham gia ban quản lý tôi may mắn được chọn. Những năm tháng gắn bó với Lam Kinh, tôi đã có rất nhiều kỷ niệm với đất và người nơi đây. Những người dân nặng lòng với lịch sử quê hương, đất nước. Họ có thể trồng hoa màu, đặt những bọng ong hoặc săn bắt những con thú nhỏ trong khu di tích nhưng không làm tổn hại đến kiến trúc... Những bậc minh quân yên nghỉ dưới đất mẹ Lam Kinh luôn là những người mà họ phải biết ơn, dù công trạng của những đế vương ấy họ chỉ được nghe lõm bõm qua những lần dẫn đoàn và thuyết minh tự phát của anh Phạm Đức Duy.
Một hành trình tìm kiếm chứng nhân trong lòng đất để phục hồi lại những công trình ở Lam Kinh đã được thực hiện kiên trì. Lúc đầu chỉ là việc trùng tu nhỏ. Một số nhà bia Hoàng đế, Hoàng hậu được xây dựng mô phỏng kiến trúc thời Lê Sơ. Những cuộc điền dã lúc đầu với chủ định của nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Ngữ cùng một số người trong ban quản lý di tích giúp thu thập được nhiều thông tin. Sau đó là việc làm quy mô, bài bản hơn bằng nhiều lần khai quật khảo cổ học do tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam thực hiện. Qua những hố đào lớp, tầng kiến trúc ngủ sâu trong lòng đất lần lượt lộ thiên cho phép hình dung ra diện mạo của Lam Kinh xưa qua các lần xây dựng, tu bổ. Đó là cơ sở cho sự ra đời những công trình lớn như cầu bạch, hồ bán nguyệt, thái miếu, sau này là các tòa chính điện Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh.
Cùng với phục dựng các lăng tẩm, điện, miếu, rừng Lam Kinh ngày một xanh hơn, trở thành rừng đặc dụng. Cùng với rừng, một hệ sinh thái văn hóa Lam Sơn cũng được phục dựng với các trò chơi, trò diễn khá đặc sắc.
10 năm trước Lam Kinh được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt đánh dấu cho một giai đoạn phát triển mới. Ngoài những giá trị thực thể, du khách đến Lam Kinh bây giờ còn được trải nghiệm công nghệ thực tế ảo...
Dưới đại ngàn Lam Kinh trong trời thu tháng tám, đúng dịp các hoạt động kỷ niệm 10 năm khu di tích trở thành di tích quốc gia đặc biệt, cảm nhận lòng mình cũng có gì đó thật đặc biệt. Trong vi vu gió và xào xạc lá thu, cảm giác như nghe được tiếng người xưa đâu đó vọng về. Cả âm vang của tiếng trống đồng trầm hùng trong khúc múa kinh sư rộn ràng mỗi lần Vua Lê về bái yết sơn lăng xưa.
 lamkinh2.jpg
Du khách tham quan khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân).
Đọc sách sử với những trang viết trách nhiệm của sử quan đương thời mới cảm nhận đầy đủ sự vĩ đại của một vương triều như Lê Sơ. Hết bình quân xâm lăng phương Bắc đến dẹp loạn phương Nam, dựng cảnh thái bình âu ca với nhiều trang ấp tằm tơ, cảnh cửi, cảnh thương mại đông đúc trên bến dưới thuyền, mở rộng quan hệ giao thương với nhiều nước. Còn là sự ra đời của Bộ quốc triều hình luật đầu tiên của nước Nam - Bộ luật Hồng Đức. Rồi những áng thơ hay khởi phát từ Hội Tao Đàn, mà nguyên súy chính là Vua Lê Thánh tông.
Những đế vương gốc tích từ đất Lam Sơn, dù lên ngôi ở Đông Đô, nhưng đã chọn Lam Kinh để vĩnh hằng yên nghỉ.
Ở Lam Kinh, mỗi sự quan sát sẽ giúp ta chiêm nghiệm nhiều hơn về một thời kỳ hào hùng, sự tiếp biến, giao thoa văn hóa. Chỉ viên ngói vỡ từ lòng sinh thổ cũng cho thấy vẻ đẹp thời đại. Một phần linh vật lưu giữ tại đây cũng cho thấy khát vọng hòa bình dân tộc và ước vọng sinh sôi...
Không chỉ tháng tám khách mới về Lam Kinh, nhưng tháng tám chính hội lên đất kinh xưa này mới cảm nhận đầy đủ sự nhộn nhịp của hội, linh thiêng của lễ. Đó cũng là lúc giá trị văn hóa các dân tộc trong tỉnh được thể hiện rõ nét nhất không chỉ qua trang phục, còn là ẩm thực, đồ thủ công bày bán ở nơi này. Trải qua bao thăng trầm, biến cố, lễ hội Lam Kinh không thất truyền, mà còn được bổ sung để làm phong phú hơn. Tôi đứng đó, nghe tiếng gió thu róc qua kẽ lá từ phía núi Dầu tấu lên khúc nhạc mùa ru giấc vĩnh hằng cho bậc minh quân.
Nguồn;(Baothanhhoa.vn)

 
0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)

Công khai thủ tục hành chính